Bệnh tụ huyết trùng thường xảy ra ở gia súc khi thời tiết giao mùa, Đại học thú y Hà Nội xin hướng dẫn bà con cách nhận biết các triệu chứng và cách điều trị bệnh tụ huyết trùng.
Bệnh tụ huyết trùng ở gia súc là gì?
Bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò là bệnh gây ra bởi loại vi khuẩn tên là Pasteurella boviseptica, trâu bò mắc bệnh bị tụ huyết ở phổi nên không cung cấp đủ oxy cho máu.
Bệnh thường phát triển vào mùa mưa, khi thời tiết giao mùa khiến sức đề kháng của gia súc giảm, trâu bò nhanh chóng chết chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh.
Bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò.
Nguyên nhân gây ra bệnh tụ huyết trùng ở gia súc.
– Vi khuẩn Pasteurella multocida là nguyên nhân gây ra bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò. Vi khuẩn khi vào máu sẽ là nhiễm trùng máu, trường hợp nặng được gọi là bại xuất huyết trâu bò. Vi khuẩn có khả năng sống lâu trong chuồng trại ẩm thấp và thiếu ánh sáng tự nhiên hoặc trong các giếng nước bẩn.
– Những con trâu bò mang trùng chính là những nguồn bệnh chủ yếu. Vi khuẩn sống ký sinh ở tuyến hạnh nhân và trên niêm mạc mũi. Ở những đàn gia súc đã từng có dịch bệnh thì có đến 40% gia súc khỏe mạnh vẫn còn mang trùng trong cơ thể.
Nhận biết các triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng.
– Thể cấp tính:
+ Gia súc thở mạnh và khó khăn nếu bị ở phổi. Một số trường hợp bị ở đường ruột thì chùm hạch to có xuất huyết, niêm mạc ruột tụ, xuất huyết nặng, tiêu chảy dữ dội, trong phân có máu.
+ Thời gian nung bệnh khoảng 1-3 ngày, trâu bò sốt cao đột ngột, mệt mỏi, không nhai lại; liên tục chảy nước mắt nước mũi; niêm mạc mắt, mũi, miệng, dưới da có tụ huyết đỏ sẫm; tối xám.
+ Hạch lâm ba sưng, nhất là ở hầu, khiến cho con vật hô hấp khó khăn, phải lè lưỡi ra. Ngoài ra con vật đi lại khó khăn do hạch lâm ba vai, đùi sưng, thủy thũng.
– Thể quá cấp tính: Gia súc sốt cao đột ngột, run rẩy, hung dữ, đập đầu vào chuồng, tử vong chỉ sau 24 giờ mắc bệnh.
Cách nhận biết các triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng.
– Thể mãn tính:
+ Tiêu chảy do viêm ruột, có khi lại bị táo bón.
+ đi lại khó khăn do viêm khớp.
+ Ho khan kéo dài do viêm phổi và viêm phế quản mãn tính.
Trâu bò có thể khỏi bệnh sau vài tuần, cơ thể trở nên gầy rạc.
Cách phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò.
– Chăm sóc nuôi dưỡng con vật tốt.
– Tiêm phòng định kỳ 6 tháng 1 lần cho trâu bò.
– Luôn giữ chuồng trại khô ráo sạch sẽ, nghiêm túc thực hiện công tác vệ sinh, ăn uống, tiêu độc chuồng trại.
– Khi phát hiện gia súc bị bệnh phải cách ly, không giết mổ, không vận chuyển, công bố dịch, chôn sâu con vật chết với vôi bột, sát trùng chuồng trại và các khu vực xung quanh.
Cách điều trị:
Với tụ huyết trùng trên lợn, có thể sử dụng Tetra-colovit, Streptomycin, Colistin (có thành phần chính là Oxytetracylin, Colistin và 8 loại vitamin) với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sỹ thú y.
Với trâu, bò, dùng kháng huyết thanh chống bệnh tụ huyết trùng tiêm dưới da, liều lượng 60 – 100 ml/con, bê nghé liều lượng 20 – 40 ml/con.